Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô 4 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế phục hồi và có mức tăng trưởng tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nhiều kết quả đáng khích lệ
Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra rằng, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc. Cùng với đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của nước ta.
Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao. Các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn thực hiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam. Giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%).
Đồng thời, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn. Trong tháng 4, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 15.300 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (13.600 doanh nghiệp); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và giải thể lần lượt giảm 20,2% và 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25.500 doanh nghiệp, giảm 5,3%.
Ngoài ra, thể chế, pháp luật tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Xử lý tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, nhất là trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
“Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, định hướng phát triển đã đề ra; làm tốt công tác dự báo; chủ động tham mưu, điều hành linh hoạt, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm tiến độ công việc được giao”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5 và quý II
Trên cơ sở kết quả đạt được và dự báo, phân tích những thách thức, khó khăn, Bộ KH&ĐT đã tham mưu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 5 và quý II, trong đó, lưu ý các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.
Thứ nhất, chuẩn bị tốt các dự án luật, nghị quyết, báo cáo, nội dung tiếp thu, giải trình với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, nhất là các nghị quyết báo cáo Quốc hội bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 7.
Thứ ba, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo; chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, thận trọng, chắc chắn, chủ động phương án ứng phó với các tình huống có thể phát sinh.
Thứ sáu, cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển.
Thứ bảy, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy nhanh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành; tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế ban chỉ đạo, tổ công tác, thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, khắc phục việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm.
Thứ tám, chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn… Khẩn trương xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân.
Đồng thời, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục củng cố và không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Minh Ngọc (Báo Chính phủ)