Người dầu khí và nỗi đau mang tên báo chí

Mặc dù một tuần đã trôi qua, những thông tin thiếu khách quan, sai lệch, không có tính xây dựng về Tập đoàn Dầu khí VN trên báo chí đã lắng xuống. Thế nhưng nỗi đau của những người Dầu khí thì vẫn cứ còn dai dẳng mãi… Bởi lẽ, là những người trong cuộc, hơn ai hết, những người Dầu khí hiểu rất rõ hậu quả khôn lường mà báo chí đã gây ra cho họ… Nỗi đau ấy quả thật là đã mang tên “Báo chí”!

 

   Khi viết những dòng này, tôi không muốn nhắc lại Kết luận của Thanh tra Chính phủ về Tập đoàn Dầu khí, bởi lẽ điều đó mấy ngày qua các báo đã đăng tải quá nhiều. Điều tôi muốn nói đó là: Chính sự thiếu trung thực, thiếu khách quan, và thiếu tính nhân văn của báo chí trong vụ việc đưa tin về Dầu khí đã làm cho thương hiệu PetroVietnam – hình ảnh của một tập đoàn kinh tế mạnh với vai trò là xương sống của nền kinh tế nước nhà đã “bị gãy”, bị xấu đi thậm tệ trong phần đông dân chúng, hình ảnh của PetroVietnam – một thương hiệu quốc gia với ngọn lửa hồng bừng cháy vươn lên đã không còn đẹp đẽ, không còn niềm tin đối với bạn bè, với các khách hàng, các đối tác trong nước và quốc tế như trước đây…

 

  Ba tôi, một Đại tá quân đội về hưu, người đã từng được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, ngay sau khi nhìn thấy một tờ báo có số lượng phát hành lớn giành gần như toàn bộ trang nhất (số ra ngày 6-4) để đăng tải vụ việc ở Dầu khí với dòng tít đậm: “Sai phạm lớn ở Tập đoàn Dầu khí VN” thì đã vô cùng choáng váng, ông hốt hoảng gọi cho tôi rồi hỏi gấp: “Chuyện gì ở Tập đoàn Dầu khí vậy con? Liệu có phải là vụ Vinashin thứ hai không con?”.

 

   Tôi hiểu sự lo lắng của ba tôi, bởi ông cũng là một người dân bình thường như bao người dân khác, ông cảm thấy choáng váng, cảm thấy lo lắng cho vận mệnh của nền kinh tế nước nhà nếu như tập đoàn kinh tế đầu tàu bị “ngã ngựa”. Thế nhưng khác với những người dân bình thường khác là ba tôi đã may mắn có tôi – một nhà báo đã có gần 20 năm tuổi nghề và gần 7 năm được phân công theo dõi lĩnh vực Dầu khí nên tôi đã trấn an ba tôi hãy bình tâm theo dõi.

 

   Thực tình mà nói, tôi không dám tự hào khẳng định rằng mình am hiểu, tường tận mọi vấn đề về ngành Dầu khí. Thế nhưng bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm của một nhà báo đã trải qua gần 20 lăn lộn với nghề, đã từng theo dõi nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, doanh nghiệp khác nhau, tôi vẫn luôn nghĩ Tập đoàn Dầu khí VN hoàn toàn xứng đáng với những lời nhận xét, đánh giá, cũng như hoàn toàn xứng đáng với sự kỳ vọng của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ rằng:“Đó sẽ là hình mẫu tốt nhất cho các doanh nghiệp” (lời Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh).

 

     Bởi lẽ, trên thực tế, khi đi dự các sự kiện lớn của ngành DK, tôi vẫn thường được nghe các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết lời khen ngợi Tập đoàn Dầu khí như là một tấm gương, như là một niềm tin, là điểm tựa, là động lực để thúc đẩy nền kinh tế nước nhà. Trong các băng ghi âm, các phương tiện hành nghề và trong các bài báo của tôi vẫn còn lưu giữ những câu nói mang đầy ý nghĩa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng: “Là trụ cột của nền kinh tế, Tập đoàn Dầu khí không chỉ có nhiệm vụ đảm bảo tốt các chương trình An ninh năng lượng, An ninh lương thực, An sinh xã hội, mà còn phải góp sức giữ gìn, bảo vệ các vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc…”. Hay những câu nói mang ý nghĩa khích lệ và mang đậm tính nhân văn giành cho ngành Dầu khí của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng rằng: “Là một tập đoàn kinh tế mạnh, là đầu tàu kinh tế của đất nước, Tập đoàn Dầu khí cần phải thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cần phải hỗ trợ, giúp đỡ các tỉnh thành, các địa phương, nhất là các địa phương còn nghèo khó, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa cùng phát triển vươn lên…”

 

   Vậy điều gì đã xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí?

 

  Có lẽ ai cũng biết, trong kinh doanh và trong quá trình phát triển đi lên, chẳng có doanh nghiệp nào là không có sơ sót, khuyết điểm cả, thế nhưng “khuyết điểm” ở đây được diễn dịch là “sai phạm lớn”, “sai phạm hàng loạt” thì quả thật là đáng sợ…

 

  Có thể nói, nhìn những thành quả của ngành Dầu khí với xăng dầu, phân bón, điện, gas mà chúng ta đã tự chủ được từ 50-80% như hiện nay, đó chính là nhờ vào sự tâm huyết, quyết đoán, dám làm, dám chịu của ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí. Chỉ có những người không hiểu biết mới không nhận ra điều đó.

 

   Một số tờ báo khi cao giọng mắng chửi, còn cho rằng làm phân bón là đầu tư ngoài ngành, họ ấu trĩ đến mức không hiểu ngoài xăng dầu, khí đốt, phân bón, điện và cả xơ sợi,  hạt nhựa nữa cũng là sản phẩm của dầu khí, là quy trình Khí-điện-đạm-lọc-hóa-dầu khép kín. Trước đây những mặt hàng này đất nước ta phải nhập khẩu, phải mua bằng ngoại tệ, thế nhưng giờ đây những thứ ấy ngành Dầu khí của đất nước mình đã làm ra được hết rồi. Thành quả đó, nếu để cho những người thụ động,  ngại va chạm, chỉ muốn bình chân cho yên ổn thì chẳng bao giờ đất nước mình có được một ngành Dầu khí như hôm nay.

 

   Những người không hiểu biết thì luôn cho rằng làm dầu khí tức là hút tài nguyên, hút dầu đem đi bán, họ ấu trĩ đến mức không hiểu rằng khai thác và xuất khẩu dầu thô chỉ là một ngành nghề mà Dầu khí đang làm, họ không hề biết, để khai thác, để tìm ra được nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đó cần phải có biết bao trí tuệ, bao tài năng của các nhà khoa học, là sự tìm tòi, cống hiến mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những con người luôn ngày đêm bám biển…   Thật đáng xấu hổ cho những người chỉ hiểu rằng khai thác dầu cũng giống như múc nước giếng lên dùng…

 

   Có vẻ như báo chí bây giờ họ không tôn trọng sự thật, không thích đưa tin đúng 100% sự thật, họ thích giật gân, lá cải, thích đưa 1/2 sự thật, thậm chí là chỉ 1/3 sự thât mà thôi. Mà chỉ 1/2 sự thật thôi thì đó cũng đã là tội ác.  Trong kết luận thanh tra cũng khẳng định 18 nghìn tỷ đồng đó không phải là thất thoát, không phải là tham ô, tham nhũng, thế nhưng đọc các bài báo thì những người hiểu biết và có lương tâm đã phải cảm thấy xấu hổ cho sự “lĩnh hội” thông tin của báo chí.

 

   Những người làm ngành Dầu khí họ đang rất đau, một nỗi đau chắc còn lâu lắm mới có thể nguôi ngoai được, thế nhưng họ hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu tự hào về sự nỗ lực, cống hiến của họ để có được một ngành Dầu khi hùng mạnh như hôm nay, để đất nước có được xăng dầu, gas, điện, phân bón, hạt nhựa, xơ sợi… làm nên vải vóc nhiều như hôm nay, và để ngành Dầu khí có thể đóng góp tới 1/3 ngân sách Nhà nước, giúp ổn định an sinh xã hội, giữ vững an toàn an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho đất nước phát triển như hôm nay.

 

   Chính thành quả và những việc làm tốt đẹp nêu trên mà tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt là họ đã làm vì cái chung chứ không hề tư túi, họ làm vì sự phát triển, vì sự tiến bộ chứ không chấp nhận sự ù lì, ngại khó…Vì vậy những khuyết điểm, thiếu sót hoặc sai phạm nếu có do cơ chế, do chính sách, do hoàn cảnh trong quá trình phấn đấu vươn lên để đạt được những thành tựu to lớn đó, thì cũng không có điều gì gọi là ghê gớm cả.

 

  Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã từng nhấn mạnh tại buổi họp báo công tác quý I/2012 rằng: “Thất thoát thì ai cũng hiểu là mất vốn, mất tiền đầu tư. “Sai phạm” thì cần phải xem xét trách nhiệm cụ thể, thậm chí phải chuyển cơ quan điều tra.
Nhưng “vi phạm” thì có thể là chưa làm đúng qui trình thủ tục hoặc trong chuỗi qui trình thủ tục hoặc đơn vị đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ theo quy định…

Khi gộp các khái niệm này thành “sai phạm” sẽ phản ánh không đúng bản chất, rất dễ tạo phản ứng ngược, gây dư luận không tốt. Vì vậy báo chí cần phân biệt rõ giữa thất thoát với sai phạm (bao gồm nhiều dạng sai phạm khác nhau). Việc phân biệt rõ sẽ là cơ sở để thông tin được chính xác, khách quan, không gây hiểu nhầm đối với bạn đọc
”.
Thế nhưng những lời phát biểu này đã không được báo chí quan tâm trong quá trình đưa tin khiến dư luận hiểu sai lệch vấn đề.

 

     Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cứ còn day dứt mãi khi nghĩ về lời phát biểu mở đầu phần trả lời báo chí tại cuộc họp báo trực tuyến sáng ngày 9-4 của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Phùng Đình Thực: “Từ những thông tin trên báo chí mấy ngày qua, hình ảnh thương hiệu PetroVietnam đã xấu đi thậm tệ, bạn bè quốc tế, các đối tác, các nhà đầu tư ngoài cảm thấy không hiểu, họ cho rằng nội tình nền kinh tế VN mà cụ thể là tập đoàn xương sống có vấn đề nên e ngại, và như thế còn ai muốn hợp tác, muôn đầu tư làm ăn cùng PetroVietnam… Chưa hết, rất nhiều bạn đọc, từ các đồng chí cách mạng lão thành, các cán bộ Đảng viên, hưu trí, những Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng cho đến những người công nhân lao đông trên biển đảo xa xôi cũng gọi điện cho chúng tôi bày tỏ sự hoang mang, lo lắng cho vận mệnh của DK và của nền kinh tế nước nhà. Vì vậy, chúng tôi thiết tha mong các đồng chí hãy đưa tin trung thực, khách quan. Chúng tôi không cần các đồng chí tô hồng, chúng tôi chỉ cần các đồng chí nêu đúng bản chất sự việc, không đưa tin hướng dư luận hiểu sai bản chất sự việc…”. 

 

  ….Những nhà báo có lương tâm có lẽ đã nghe thấy sự nghẹn đắng trong từng lời ông Thực nói…

 

Snow Autumn (12-4-2012)