TPHCM hướng tới công nghiệp số, kinh tế số

TPHCM sẽ là đô thị thông minh, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo; trong đó, kinh tế số chiếm 40% GRDP.

TPHCM hướng tới công nghiệp số, kinh tế số- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có cuộc đối thoại với cộng đồng DN nhằm giải đáp những thắc mắc, đồng thời chia sẻ về định hướng phát triển của TPHCM trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Anh Lê

Tối ngày 11/10, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM(Huba) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nghiệp, doanh nhân TPHCM tiêu biểu năm 2024”. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm giải đáp những thắc mắc, đồng thời chia sẻ về định hướng phát triển của TPHCM trong thời gian tới.

Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, cho hay TPHCM cần hướng tới trở thành trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ của khu vực; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện hạ tầng giao thông để quá trình logistics thuận lợi…

Đại diện cho lĩnh vực du lịch, Tổng Giám đốc Vietravel, Trần Đoàn Thế Duy, kiến nghị, Thành phố nên tập trung phát triển mũi nhọn vào du lịch Mice (du lịch hội họp, khuyến khích, hội nghị và triển lãm) làm thế mạnh của du lịch TPHCM; đồng thời có chính sách tài chính hỗ trợ cho sự kiện Mice quy mô quốc tế, có chính sách ưu tiên nhập cảnh với đoàn khách lớn, miễn giảm thuế, một số loại phí cho các công ty lựa chọn TPHCM làm điểm đến…

Cùng với đó, để thu hút và hấp dẫn du khách, Thành phố nên khuyến khích, xây dựng thêm các trung tâm mua sắm chất lượng cao; nâng cao đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, nhất là loại hình Mice.

Đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho rằng, TPHCM cần hướng tới là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tổ chức các hội chợ và triển lãm mang tầm quốc tế. Muốn như vậy, Thành phố cần xem xét mở rộng Trung tâm hội chợ và triển lãm quốc tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, đồng bộ hạ tầng logistics, thúc đẩy chuỗi nguyên liệu và chuỗi cung ứng

Cũng tại buổi đối thoại, nhiều DN bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư vào các dự án lớn của Thành phố cũng như cả nước, tham gia vào đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao…

Các DN cũng kiến nghị Thành phố xây dựng cơ chế ưu đãi cho DN Việt đầu tư vào Khu công nghệ cao Thành phố; có cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn…

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian tới, đề án trung tâm tài chính Thành phố sẽ được thông qua, từ đó sẽ có định hướng và các cơ chế chính sách cụ thể để hình thành và phát triển.

Ông Mãi cũng cho biết, hiện nay, các dự án đường vành đai 4, dự án theo Nghị quyết 98 do Thành phố triển khai đầu tư theo các hình thức như BT, BOT, mọi DN đều có thể tham gia.

Cùng với đó, Đề án hệ thống đường sắt đô thị, đến năm 2035, TPHCM hoàn thành thêm khoảng 160 km metro, sắp tới lãnh đạo Thành phố sẽ ngồi lại với các DN theo từng nhóm ngành để thảo luận, ví dụ nhóm đường ray, nhóm toa tàu, nhóm tài chính,… nhằm tạo cơ hội cho DN trong nước tham gia.

Về cơ cấu kinh tế, quy hoạch Thành phố 2021-2030 và tầm nhìn 2050, Thành phố xác định lại tập trung phát triển nâng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng lên từ 27%-30% trong GRDP của Thành phố. Tập trung mạnh tái cơ cấu nội ngành công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng công nghiệp nâng lên, trong đó, công nghệ số, công nghiệp số, đổi mới sáng tạo sẽ được Thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư và khuyến khích hỗ trợ.

Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về thực hiện Chương trình hành động số 54-CTrHĐ/TU ngày 22/4/2024 của Thành ủy TPHCM thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11.1.2024 của Bộ Chính trị. Theo đó, định hướng năm 2030, TPHCM sẽ là đô thị thông minh, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo; trong đó, kinh tế số chiếm 40% GRDP.

Anh Lê – Chinhphu.vn