Sáng 16/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững”.
Đồng chủ trì hội thảo có: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Hồ Xuân Trường; Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Trần Doãn Tiến và Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Điện tử Đảng Cộng sản Nguyễn Công Dũng.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực kinh tế…
Hội thảo là dịp để các đại biểu thảo luận, trao đổi, đánh giá những nội dung chủ yếu nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của Đảng trong việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng để Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương tham khảo để có những định hướng thông tin tuyên truyền kinh kế trong thời gian tới. Đồng thời kết quả Hội thảo cũng là cơ sở khoa học, thực tiễn để các cơ quan liên quan tham khảo, tham mưu cho Trung ương bổ sung, hoàn thiện các quy định về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong thời gian tới.
Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Trần Doãn Tiến cho biết trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được gần 50 bài tham luận khoa học của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, … như bài của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; bài của một số Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư các Tỉnh ủy như: Bến Tre, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Thái Bình; bài của các Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Hòa Bình, Hà Giang…; bài của Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp…
Các tham luận đã tập trung trao đổi những nhóm nội dung cơ bản như: Cơ sở lý luận về phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước. Thực trạng công tác lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước. Nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng trong việc khơi dậy và phát huy các tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững đã và đang trở thành xu thế được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Đảng và Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tiến trình phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện mới đã chỉ rõ: “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Nhấn mạnh, với quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong thời gian qua, tại Hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu tập trung phân tích, làm rõ quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đề xuất các giải pháp phát huy tiềm năng, nguồn lực pháp triển kinh tế nhanh và bền vững; việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế nhanh và bền vững;…
Từ góc độ của các địa phương, một số tham luận tại Hội thảo của lãnh đạo tỉnh như Khánh Hoà, Bắc Giang… đã đề xuất giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp; phát huy vai trò, vị thế của địa phương trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững; các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại; đề xuất các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu;…
Nguyễn Hoàng (Báo Chính phủ)