Nguyễn Thị Minh Yến – Tổng Công ty Hàng không Việt Nam

BÍ QUYẾT YÊU THƯƠNG

 

Tôi cảm động vô cùng khi đón nhận món quà từ chị. Hôm về lại Sài Gòn, cầm viên thuốc chị cho đem đến tặng ba mình, mà tôi thấy cổ họng mình nghẹn lại… Cảm giác tội lỗi của một người con ít quan tâm, chăm sóc cha mẹ đã làm tôi bật khóc. Điều khiến tôi cứ day dứt mãi là tai sao chị – một doanh nhân bận rộn nhiều như thế, mà chị vẫn luôn quan tâm, chăm sóc, luôn nghĩ đến cha mẹ, đến gia đình, người thân, vậy mà tôi, tại sao tôi lại có thể là người vô tâm nhiều như thế…

 

Tôi gặp chị lần đầu trong căn phòng khách nhỏ của Văn phòng Vietnam Airlines ở phía Nam. Lúc ấy tôi đến với một lý do nghe ra thì thấy thật là buồn cười: “Em muốn gặp chị chỉ để làm quen thôi, không có việc gì cả đâu chị ạ”. Có lẽ chính vì cái lý do vớ va vớ vẩn đó mà tôi phải chờ đợi suốt một tháng trời, đã phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời đề nghị, chị mới thu xếp cho tôi được gặp. Và để có cuộc gặp đầu tiên ấy, tôi biết chị cũng đã rất chiếu cố cho tôi – một nữ nhà báo kiên trì, thiết tha gặp chị.

 

 

NTMY[1]

 

  Thực ra với cánh nhà báo chúng tôi, việc tiếp cận được với các doanh nhân, để từ đó gắn kết, tạo được niềm tin ở họ, phục vụ cho công việc khai thác thông tin trong quá trình tác nghiệp là một việc làm khó. Bởi lẽ, đã là doanh nhân thì họ luôn bận rộn với những lịch trình khép kín, chưa hết không ít các doanh nhân còn dị ứng với báo chí, ngại báo chí làm phiền bởi nhiều lý do không nằm trong danh mục công việc của một nhà báo chuyên nghiệp.

 

  Tôi thật may mắn khi được chị biết đến trước đó dù chưa một lần gặp mặt. “Chị có đọc nhiều bài viết của em trên báo SGGP,  chị rất thích cách viết của em nên cũng muốn gặp mặt cho biết…” – chị nói và cười thật hiền hòa, đó cũng chính là câu nói đầu tiên khi chị bước vào phòng khách bắt tay tôi. Câu nói đó giúp tôi cảm thấy ấm áp, gần gũi và tự tin hơn khi trò chuyện với chị.

 

     Tâm sự với tôi, chị cho biết, chị đã làm việc, gắn bó với Vietnam Airlines trong suốt gần 3 thập kỷ qua, và bây giờ là Giám đốc Văn phòng miền Nam của Vietnam Airlines, dù ở vị trí nào chị cũng luôn có cảm giác Vietnam Airlines giống như một mái ấm gia đình vậy. Mà đã là mái ấm gia đình thì mình luôn phải quan tâm chăm sóc tận tình, dù chỉ là những việc làm nhỏ. “Làm công tác dịch vụ, phục vụ thì thật là khó để tránh hết được những sơ suất và cũng thật là khó để có thể làm cho 100% hành khách hài lòng, thế nhưng mình phải luôn nỗ lực tối đa, phải cố gắng hoàn thiện mình trong mọi khả năng có thể” – chị đã bày tỏ quan điểm của mình về yêu cầu và tính đặc thù của dịch vụ vận tải hàng không là như thế.

 

   Hôm ngồi cạnh chị trên chuyến bay từ TPHCM đi Bắc Kinh để khai trương đường bay này hồi tháng 5-2010, lúc ăn cơm, chị cứ hỏi tôi: “Em thấy thức ăn thế nào? Chị thấy món mì xào này khô quá, cứng quá, đúng không? Khó ăn quá, đúng không?”. Biết tôi ngại ngùng chỉ gật đầu mà không dám đưa ra lời nhận xét, chị bèn gọi tiếp viên trên chuyến bay cho chị xin tờ giấy để viết lời góp ý. Tôi nhìn chị cầm bút nắn nót viết những dòng góp ý mà cảm thấy ngạc nhiên về hành động đó, bởi lẽ, chị hoàn toàn có thể không cần quan tâm đến điều nhỏ nhặt đó, hoặc với vị trí của mình, nếu quan tâm, thì lúc nào thuận tiện, chị chỉ cần góp ý bằng một cuộc điện thoại nào đó là xong, tại sao lại phải nhọc công như thế nhỉ? Như hiểu được những thắc mắc trong suy nghĩ của tôi, chị nói: “Chị đang là một hành khách giống như em, góp ý của hành khách bao giờ cũng khách quan hơn em ạ. Vietnam Airlines luôn quan tâm, trân trong các ý kiến đóng góp của hành khách, các ý kiến góp ý của hành khách như thế này sẽ được tổng hợp lại để đánh giá, nghiên cứu, lựa chọn giải pháp tốt nhất cho công tác phục vụ hành khách em ạ”. Quả thật, từ cuộc trò chuyện này với chị trên chuyến bay hôm đó, mà tôi mới hiểu và biết thêm một cái quyền của hành khách khi đi trên chuyến bay, đó là yêu cầu được viết góp ý. Thay vì tranh cãi, bắt bẻ tiếp viên, khi gặp những điều bức xúc, bực bội hay không vừa ý việc gì thì hành khách cứ xin được viết lời góp ý. Điều đó rất hiệu quả, rất hay, vừa tránh gây ồn ào ảnh hưởng đến an ninh trật tự của chuyến bay, tránh làm phiền các hành khách khác ở xung quanh, lại vừa giúp cho hãng hàng không tiếp thu ý kiến một cách hiệu quả, chi tiết hơn, để từ đó họ hoàn thiện các dịch vụ của mình và phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn.

 

   Điều khiến tôi cảm động nhiều hơn cả đó là tấm lòng, là tình cảm, là sự yêu thương quan tâm chăm sóc dành cho những người thân của chị. Trên chuyến bay từ Bắc Kinh trở về, chị hỏi tôi: “Xem em mua quà gì về cho gia đình nào?”, tôi lắc đầu: “Em chả biết mua gì chị ạ”. Khi hỏi han về hoàn cảnh gia đình, về ba mẹ tôi, biết ba tôi cũng có bệnh cao huyết áp, chị vừa lục tìm trong túi quà của mình vừa nói: “Chị có mua mấy viên thuốc cho những người thân ở nhà. Loai thuốc này rất quý và chỉ ở bên này mới có thuốc thật thôi em ạ. Khi người nhà có bệnh cao huyết áp thì nên có sẵn viên thuốc này, nếu chẳng may bị té ngã hay gặp sự cố bất thường gì thì cho ngậm ngay viên thuốc, như thế sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm về sau em ạ. Chị tặng em một viên để đề phòng ở nhà cho ba em nhé”. Tôi cảm động vô cùng khi đón nhận món quà từ chị. Hôm về lại Sài Gòn, cầm viên thuốc chị cho đem đến tặng ba mình, mà tôi thấy cổ họng mình nghẹn lại… Cảm giác tội lỗi của một người con ít quan tâm, chăm sóc cha mẹ đã làm tôi bật khóc. Điều khiến tôi cứ day dứt mãi là tai sao chị – một doanh nhân bận rộn nhiều như thế, mà chị vẫn luôn quan tâm, chăm sóc, luôn nghĩ đến cha mẹ, đến gia đình, người thân, vậy mà tôi, tại sao tôi lại có thể là người vô tâm nhiều như thế…

 

  …Đôi lúc ngắm nhìn chị, một người phụ nữ đã chạm tuổi ngũ tuần nhưng vẫn còn giữ được vẻ đẹp mặn mà của một thời xuân sắc, tôi lai nhớ đến lời tâm sự của một người bạn, anh Nguyễn Văn Hảo – Nguyên Phó Tổng Giám đốc Prudential khi trò chuyện cùng tôi. Biết tôi phụ trách lĩnh vực hàng không, anh nói: “Em mà gặp Yến thì cho anh gửi lời thăm nhé. Hồi anh còn làm ở Japan Airlines, anh cũng rất thường gặp Yến, đó là một người phụ nữ đẹp và rất giỏi giang. Ngày ấy Yến còn trẻ, mảnh mai và nói chuyện rất duyên, rất thu hút, rất thuyết phục đối với người đối diện, cũng như đối với các đối tác của Vietnam Airlines em ạ…”. Những lời nhận xét đó của anh Nguyễn Văn Hảo cũng đã được tôi kiểm chứng ở chị không chỉ trong những lúc chuyện trò, mà còn ở nhiều cuộc hội nghị, nhiều buổi thuyết trình khi tôi có dịp tham gia… Giọng nói trong trẻo, ấm áp của chị, cách trình bày vấn đề logic, thuyết phục của chị, sự tận tâm trong công việc, luôn hết mình giúp đỡ những người xung quanh của chị đã tạo nên thiện cảm, sự ủng hộ, mến mộ không chỉ của các đại lý, các đối tác có quan hệ làm ăn với Vietnam Airlines, mà ngay cả cánh nhà báo chúng tôi cũng đều dành cho chị những cảm tình như thế.

 

   Tấm lòng hiếu thảo của chị đối với gia đình, người thân, sự tận tâm hết lòng của chị đối với công việc và đối với sự nghiệp phát triển của thương hiệu hàng không quốc gia – Vietnam Airlines đã khiến tôi thực sự cảm động, và tôi đã học được ở chị cái bí quyết biết yêu thương, thu hút, chinh phục lòng người ngay từ những điều bình thường, đơn giản ấy…

 

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 12-10-2011)