Kỳ vọng 10 địa phương đạt doanh thu công nghệ trên 1 tỉ đô la

Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần 4; có 10 địa phương trên cả nước đạt doanh thu về công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông trên 1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Đây là những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Chương trình phát triển công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử – viễn thông của Việt Nam được đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tin nêu trên được ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tại hội nghị “Đánh giá tổng kết chương trình phát triển công nghệ công nghệ thông tin giai đoạn 2015-2020 theo quyết định 392/QĐ-TTg tại khu vực phía Nam” diễn ra ở tỉnh Tiền Giang vào hôm nay, 2-6.

Theo đó, ông Tuyên cho biết, mục tiêu chung của chương trình là đưa ngành công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử – viễn thông của Việt Nam trở thành ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên những thành tựu mới của cách mạng công nghiệp lần 4, làm động lực thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số…

Còn mục tiêu cụ thể, theo ông Tuyên, chương trình đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành hàng năm bằng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước; duy trì dẫn đầu các ngành có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50.000 doanh nghiệp CNTT, ĐTVT, trong đó, có 10 doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế với quy mô trên 1 tỉ đô la Mỹ; có 10 địa phương đạt doanh thu CNTT, ĐTVT trên 1 tỉ đô la Mỹ.

Đối với công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT, thì doanh nghiệp trong nước phải làm chủ công nghệ, cung cấp được 90% các loại sản phẩm, giải pháp mềm, dịch vụ CNTT phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị/giao thông/nông nghiệp thông minh…

Toàn cảnh hội nghị tổng kết về chương trình phát triển CNTT 2015-2020 diễn ra tại Tiền Giang ngày 2-6. Ảnh: Trung Chánh

Đối với công nghiệp phần cứng và điện tử – viễn thông, doanh nghiệp trong nước phải làm chủ được công nghệ sản xuất các thiết bị mạng 5G; thiết bị đầu cuối 5G…; tỷ lệ nội địa hóa đạt 30% đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Còn với công nghiệp nội dung số, mục tiêu đến 2025 có 60% người Việt Nam dùng mạng xã hội của doanh nghiệp trong nước, giảm dần phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; 40% sử dụng công cụ tìm kiếm trong nước.

Trước đó, phát biểu khai mạc sự kiện, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao về những kết quả đã đạt được của chương trình phát triển công nghệ thông tin và điện tử – viễn thông trong giai đoạn từ 2015-2019 tại Việt Nam.

Theo đó, ông Tâm cho biết, doanh thu công nghệ thông tin và điện tử viễn thông năm 2019 đạt 112,5 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp đôi so với 2015; tốc độ tăng trưởng của ngành trong giai đoạn này đạt trên 26% mỗi năm, cao gấp 4 lần tốc độ tăng GDP; đóng góp vào ngân sách năm 2019 là 53.000 tỉ đồng…

Về doanh thu phần mềm, theo ông Tuyên, giai đoạn 2009-2019, tăng trưởng trung bình đạt 17,7%/năm, với doanh thu vào năm 2019 đạt khoảng 5 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, doanh thu về xuất khẩu phần mềm, giai đoạn 2015-2019 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 18,3%/năm, đạt mức khoảng 4,3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019.

Hiện Việt Nam có ba khu CNTT tập trung đang hoạt động, gồm công viên phần mềm Quang Trung tại TPHCM, công viên phần mềm tại Đà Nẵng và khu CNTT tập trung Cầu Giấy. Ngoài ra, một dự án khác đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng là công viên phần mềm Hà Nội.

Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết trong chiến lược phát triển CNTT của địa phương, tỉnh đang xúc tiến đầu tư xây dựng khu công viên phần mềm Mekong. Đây sẽ là nơi thu hút nguồn nhân lực và phát triển CNTT cho tỉnh Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Trung Chánh (thesaigontimes)