Xu hướng lãi suất 2021 và việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp

Lãi suất trong năm 2021 cùng với việc hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ diễn biến theo chiều hướng nào là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm.

Lãi suất cho vay khó giảm

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất đến ba lần với quy mô tương đối lớn, diễn ra vào các thời điểm 17/3, 13/5 và 1/10, với tổng mức giảm khoảng 1,5-2%/năm lãi suất điều hành, giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay thông thường vẫn giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động.

Trong năm nay, lãi suất sẽ tiếp tục là tâm điểm quan tâm. Đầu tiên, lạm phát đang có nguy cơ sớm quay trở lại, khi các chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa được các ngân hàng trung ương thực thi trong suốt năm qua đã đẩy giá nhiều loại hàng hóa tăng giá. Trong khi đó, với các đợt giảm lãi suất liên tiếp đã khiến kênh tiền gửi ngân hàng (NH) không còn hấp dẫn, trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng tích cực, riêng thị trường vàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nếu lạm phát quay trở lại. Điều này sẽ khiến việc huy động vốn của các NH khó khăn hơn, do đó gây áp lực lên lãi suất là điều khó tránh khỏi.

Một số dự báo của các tổ chức tín dụng đưa ra cũng tin rằng lãi suất có thể tiếp tục ổn định trong nửa đầu năm nay, nhưng từ nửa cuối năm áp lực sẽ ngày càng tăng. Đáng lưu ý là trong khi lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương xứng so với mức kỳ vọng cũng như so với tốc độ giảm của lãi suất đầu vào của các NH, thì với áp lực lên xu hướng lãi suất tiền gửi đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, khiến mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay trong năm nay sẽ gặp nhiều thách thức hơn.Cuối năm ngoái, Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ sẽ khiến NHNN khó có thể tiếp tục bơm ròng thanh khoản qua kênh mua ngoại tệ, khi đây là một trong những chính sách quan trọng tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm mạnh trong những năm qua, khi giúp thanh khoản của hệ thống NH luôn ở mức dồi dào.

Ảnh hưởng đến sức hấp thụ vốn

Diễn biến này cũng sẽ ảnh hưởng lên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, nhất là trong bối cảnh niềm tin kinh doanh lẫn tiêu dùng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Sản xuất, đầu tư và tiêu dùng tuy đã dần hồi phục từ quý III năm trước cho đến nay, nhưng các đợt bùng phát dịch Covid-19 có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào, mà diễn biến tại Đà Nẵng vào tháng 7 năm ngoái và mới đây tại Hải Dương là minh chứng, sẽ khiến giới chủ doanh nghiệp phải dè chừng khi muốn vay vốn mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Dù việc tiêm chủng vắc xin đã được triển khai tại một số quốc gia phát triển, nhưng với các nước đang phát triển sẽ cần lộ trình dài hơn, khi việc phân phối vắc xin được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, trong khi những biến thể mới của chủng virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục gây lo ngại làm giảm hiệu quả của vắc xin đã được nghiên cứu và sản xuất. Thương mại toàn cầu thời gian qua vẫn chưa thể khôi phục như trước dịch bệnh, khi nhiều quốc gia vẫn có những đợt bùng phát dịch, buộc phải tái giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới.

Dù tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay được đặt ra ở mục tiêu 6,5% và tăng trưởng tín dụng là 12%, thậm chí một số dự báo còn cao hơn, nhưng nếu sức hấp thụ vốn yếu thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng lẫn GDP chưa chắc đạt được. Cũng cần lưu ý một số ý kiến đưa ra gần đây cho thấy, tăng trưởng GDP và tín dụng dường như ngày càng tách xa nhau, khi kết quả tăng trưởng tín dụng năm 2020 vừa qua lên tới hơn 12% nhưng GDP chỉ đạt 2,91%.

Sản xuất, đầu tư và tiêu dùng tuy đã dần hồi phục từ quý III năm trước cho đến nay, nhưng các đợt bùng phát dịch Covid-19 có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào, mà diễn biến tại Đà Nẵng vào tháng 7 năm ngoái và mới đây tại Hải Dương là minh chứng, sẽ khiến giới chủ doanh nghiệp phải dè chừng khi muốn vay vốn mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, nếu lãi suất cho vay không thể giảm thêm, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến động lực vay vốn kinh doanh lẫn tiêu dùng. Đứng về phía NH, trước những rủi ro của nền kinh tế vẫn còn đó, các điều kiện vay vốn khó có thể nới lỏng như giai đoạn trước. Rủi ro nợ xấu gia tăng trở lại khi các khoản vay tái cơ cấu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 phải chuyển nhóm và trích lập dự phòng dần, cũng sẽ khiến các NH thiếu động lực giảm lãi suất cho vay.

Anh Khoa (doanhnhansaigon)