Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng bên cạnh cơ chế đặc thù, các cơ quan cần nghiên cứu, hướng tới xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho thành phố.
Thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 30/5 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, ông Mãi cho biết khi tổng kết Nghị quyết 54, lãnh đạo thành phố và các cơ quan đã suy nghĩ đến ý tưởng nêu trên. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hồ sơ trình dự án luật cần nhiều thời gian, nên trước mắt TP HCM xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.
“Song song với đó, chúng tôi vẫn nghiên cứu, tính toán để trả lời câu hỏi thành phố có cần Luật đô thị đặc biệt hay không. Nếu được thì tập trung theo hướng này”, ông Mãi nói.
Theo Chủ tịch thành phố, trong dự thảo nghị quyết mới được trình Quốc hội, TP HCM sẽ được thí điểm một số cơ chế đặc thù với 27 điểm đột phá. Hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù mới này sẽ giúp TP HCM tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm năng; khơi thông nguồn lực xã hội, nguồn lực đầu tư vào thành phố qua phương thức PPP, BOT, BT. Nếu thực hiện tốt các cơ chế này, ông tin 5 năm tới TP HCM sẽ huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
Các cơ chế về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đề xuất phân cấp, phân quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động về nhân sự cũng sẽ giúp cho TP HCM, TP Thủ Đức chủ động giải quyết vấn đề nhanh gọn, hiệu quả.
Rút kinh nghiệm khi triển khai Nghị quyết 54 chưa được như kỳ vọng, lần này TP HCM đã tham mưu xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện nghị quyết và phối hợp với các bộ ngành xây dựng thông tư. Việc này sẽ giúp quá trình triển khai nghị quyết đạt hiệu quả nhanh hơn.
Hiện nay, TP HCM đã mời chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc tế để trình Thủ tướng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với thành phố hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về vấn đề này. “Bên cạnh những đề xuất về cơ chế, chính sách, chúng tôi đã có ý thức củng cố đội ngũ để tổ chức thực hiện”, ông Mãi nói.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn luật sư TP HCM), trong hàng chục năm qua, thành phố đã đóng góp vào tăng trưởng cả nước khoảng 25%. Năm 2022, dù ảnh hưởng bởi Covid-19, mức đóng góp vào tăng trưởng và ngân sách nhà nước vẫn cao nhất cả con số tuyệt đối và tỷ lệ.
Vì vậy, theo ông Nghĩa, TP HCM giữ vai trò đầu tàu về nhiều mặt như kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, giúp Việt Nam gia tăng địa vị trong cạnh tranh quốc tế. Với những yêu cầu của Trung ương và vai trò của TP HCM thì các cơ chế mà Chính phủ đề xuất lần này “chưa ăn thua”.
Về lâu dài, ông đề xuất xây dựng Luật đô thị đặc biệt cho TP HCM, tương tự Hà Nội có Luật Thủ đô. “Đây là hành lang pháp lý trung và dài hạn để các cơ quan không phải xây dựng nghị quyết cơ chế đặc thù cho thành phố với tính chất thí điểm trong vài năm”, luật sư Nghĩa nói.
Ông cũng đề nghị lãnh đạo thành phố, bộ ngành, Chính phủ, Quốc hội sớm xác lập cơ chế đột phá, vượt trội hơn nữa để TP HCM hoàn thành vai trò đô thị đặc biệt.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó đoàn TP HCM) cho rằng thành phố đang gặp nhiều vướng mắc nên cần chính sách vượt trội để phát triển trong thời gian tới. Về lâu dài, để tạo điều kiện cho TP HCM phát triển, các cơ quan cần nghiên cứu ban hành Luật đô thị đặc biệt cho thành phố, trong đó quy định một số cơ chế đặc biệt về tổ chức bộ máy, biên chế, phương thức vận hành. “Khi có luật, thành phố sẽ chủ động ở mức cao nhất”, bà Bạch Tuyết nêu ý kiến.
Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP HCM nhằm tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, thành phố chưa đạt kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện.
Sau khi thảo luận tại tổ và hội trường, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết vào ngày 24/6.
(Theo Báo Chính phủ)