Biến đổi khí hậu và bài toán an ninh năng lượng

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng. Đâu là bài toán đảm bảo an ninh năng lượng nhưng không làm tổn hại tới môi trường?

Tháp điện gió tại một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được đưa vào vận hành.

Mất 1,9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm

Số liệu thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy trên toàn thế giới, từ 1996-2016, thiên tai do biến đổi khí hậu đã làm 520.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại kinh tế 3.160 tỉ đô la Mỹ.

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan không còn là câu chuyện xa xôi, mà đang trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế, sức khỏe, ngôi nhà của hàng triệu người dân Việt Nam.

Nhiều báo cáo cho thấy, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Dưới tác động của BĐKH, tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, làm chết và mất tích 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Riêng trong năm 2018, tình hình thiên tai với tần suất dày đặc, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao kỷ lục trong 60 năm qua diễn ra trên diện rộng khiến hàng ngàn người dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và lương thực.

Theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, đến cuối thế kỷ 21, sẽ có 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Đối với TPHCM, dự báo sẽ có 20% diện tích bị ngập. Do vậy, nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với thách thức đó, những thành quả phát triển về kinh tế xã hội của Việt Nam sẽ bị kéo lùi.

Trong bài tham luận phát biểu tại Hội thảo “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”, sự kiện nằm trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17-1, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho hay, những tác động tiêu cực về BĐKH ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế – xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được.

Bên cạnh đó, trong tham luận của nhiều chuyên gia tại hội thảo nhận định, an ninh năng lượng quốc gia đang chịu tác động kép của yếu tố “nguồn cung” và “biến đổi khí hậu”. Trước tiên, thiếu hụt năng lượng trong thời gian tới là rất lớn khi tổng nguồn điện hiện nay mới đạt 47.000 MW, hàng năm phát ra sản lượng điện 190 tỉ kWh. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện tới năm 2030, Việt Nam cần tới gần 130.000 MW điện, tức gấp 2,7 lần hiện nay, với tổng sản lượng 570 tỉ kWh điện.

BĐKH tại Việt Nam sẽ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc vào năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp (dầu mỏ, khí thiên nhiên, than) do ảnh hưởng của BĐKH sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Song, ở chiều ngược lại, việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống lại là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng khí nhà kính, tác nhân trực tiếp gây BĐKH.

“Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá tác động kép này để chủ động phòng chống BĐKH và đưa ra các giải pháp củng cố an ninh năng lượng quốc gia đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết”, ông Bình nói.

Tăng nguồn điện xanh

Trong bài phát biểu tại hội thảo, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, cho hay BĐKH luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao, Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo. Đây là xu thế chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.

Thực tế, để tăng nguồn điện tái tạo, Chính phủ Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2020 đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 800 MW và con số này vào năm 2025 và 2030 lần lượt là 2.000 MW và 6.000 MW. Bên cạnh đó, Việt Nam định hướng phát triển điện mặt trời đạt khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025. Tuy nhiên, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo này vẫn còn thấp so với tổng sản lượng điện của Việt Nam.

Theo ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực, Ban Kinh tế Trung ương, việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo hiện nay còn một số hạn chế về giá cả, thị trường, cơ sở hạ tầng, điều kiện kỹ thuật. Do đó, rất cần có những cơ chế, chính sách đủ mạnh và đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo này.

Một số báo cáo vừa qua cho thấy kết quả đầu tư nước ngoài trong việc phát triển các nguồn phát điện ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính, theo ông Phát, là do giá mua điện hiện nay còn thấp, chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam cần sớm xem xét, đưa ra những quyết sách kịp thời về vấn đề này.

Ngoài phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh BĐKH là cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát huy mạnh mẽ ứng dụng của khoa học công nghệ để tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Ngay với những nguồn năng lượng truyền thống như điện than, sự tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay cũng cho phép làm tăng hiệu quả năng lượng trong khi giảm thiểu được khí thải ra môi trường.

Nhà máy điện Manjung 4 (công suất 1.000MW) do Công ty Điện lực Tenaga Nasional Berhad (TNB), Malaysia, xây dựng theo công nghệ của tập đoàn General Electric (GE) là một ví dụ. Nhà máy có thể sản xuất điện năng với lượng phát thải thấp hơn đến 10% so với các lượng phát thải trung bình từ các nhà máy nhiệt điện than trên toàn thế giới.

Tiếp cận vấn đề BĐKH từ góc nhìn năng lượng với các giải pháp như đa dạng hóa nguồn cung, phát triển các nguồn năng lượng xanh, đặc biệt là áp dụng công nghệ mới để sử dụng năng lượng hiệu quả, và giảm thiểu tác động môi trường, theo các chuyên gia, là hướng đi cần thực hiện trong thời gian tới.

Vũ Dung (thesaigontimes)